Mục lục
VHO – Nhiều khách sạn được đăng công khai trên website của Sở Du lịch Hà Nội có hạng 5 sao. Thế nhưng qua tìm hiểu thực tế, những khách sạn này chỉ đạt 4 sao, 3 sao hoặc thấp hơn kèm với những thông tin không chính xác. Ngoài ra, nhiều ứng dụng đặt phòng nổi tiếng cũng “vô tư” thăng hạng cho các nhà nghỉ, khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Hàng loạt khách sạn được “nâng sao” bất thường
Phản ánh với Văn Hóa, chị Nguyễn Minh Hằng (Đà Nẵng) cho biết, dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, gia đình chị có kế hoạch đến Hà Nội để du lịch. Để tìm hiểu các đơn vị dịch vụ du lịch uy tín, tránh bị lừa đảo, chị đã tìm hiểu thông tin qua website của Sở Du lịch Hà Nội có địa chỉ: https://sodulich. hanoi.gov.vn/. Tuy nhiên, khi liên hệ với khách sạn và tìm kiếm thông tin khác trên mạng lại bất ngờ khi khách sạn này chỉ đạt tiêu chuẩn 3 sao chứ không phải 5 sao như thông tin đăng tải.
Sau khi tiếp nhận phản ánh, Văn Hóa đã trực tiếp tìm hiểu thông tin trên website của Sở Du lịch Hà Nội còn có rất nhiều khách sạn bỗng dưng được “thăng hạng”. Điển hình như khách sạn Kuretake Inn có địa chỉ tại 132 Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) nằm ngay vị trí trên cùng của Hệ thống chứng nhận cơ sở lưu trú được thể hiện là khách sạn 5 sao. Khi click vào thông tin của khách sạn thì website của Sở Du lịch thông báo lỗi. Qua kiểm tra trên hệ thống của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL), đây thực chất chỉ là khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao. Quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch của khách sạn này cũng hết hạn từ ngày 7.7.2020.
Tiếp tục tìm hiểu một số thông tin trên hệ thống, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều khách sạn khác cũng trong tình trạng tương tự như: My Way, Riverside Hanoi, Sen 1, Sen 2, Thiên Thai, Bên Hồ, Asean, Silk Path, Le Carnot, Danly, Chalcedony… đều được công nhận là 5 sao nhưng khi xác minh tại hệ thống của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chỉ đạt tiêu chuẩn 3 sao hoặc có những khách sạn không hiển thị trên hệ thống. Ngoài ra, khi tra thông tin của những khách sạn trên website của Sở Du lịch Hà Nội đều báo lỗi giống nhau và không tra được.
Không những thế thông tin về địa chỉ của nhiều khách sạn không chính xác như khách sạn Riverside Hanoi có địa chỉ tại 118 Nguyễn Đình Hoàn, Cầu Giấy thì trên website Sở Du lịch Hà Nội là 118 quận Cầu Giấy, phường Nghĩa Đô. Hay như khách sạn Sen 1 địa chỉ 26B Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy được thể hiện là 26B quận Cầu Giấy, phường Quan Hoa.
Theo thông tin chính thức được tra trên hệ thống của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, hiện nay Hà Nội có 22 khách sạn và 7 căn hộ du lịch được công nhận đạt tiêu chuẩn 5 sao. Tuy nhiên trên hệ thống của Sở Du lịch Hà Nội thì có tới 85 khách sạn và 11 căn hộ, tức là gấp 4 lần số lượng khách sạn đạt tiêu chuẩn này do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam công bố. Điều này đồng nghĩa với việc 63 cơ sở lưu trú và 4 căn hộ được công khai đạt chuẩn 5 sao trên website của Sở Du lịch Hà Nội là “có vấn đề”.
Khách sạn “loạn” sao trên các ứng dụng
Cũng theo phản ánh của du khách, tình trạng “loạn” hạng sao không chỉ trên website của Sở Du lịch Hà Nội mà còn trên ứng dụng đặt phòng thông dụng như Booking.com. Khách sạn Hanoi Le Chateau Hotel & Spa (địa chỉ 23-25 Hàng Thiếc, Hoàn Kiếm), được Booking.com gắn mác 5 sao và chào bán với mức giá trên 2 triệu đồng/1đêm. Khách sạn 22Land Heritage Hotel & Retreat (số 5, ngõ 82/1 Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) cũng được trang đặt phòng Booking.com “vô tư” phong hạng 5 sao. Với mục tìm kiếm của ứng dụng này, thì có tới 44 khách sạn 5 sao trên địa bàn Hà Nội. Xác minh trên hệ thống của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thì không có thông tin khách sạn, do vậy các cơ sở lưu trú này chưa được công nhận hạng 5 sao theo quy định của pháp luật.
Khảo sát trên ứng dụng đặt phòng nổi tiếng khác là Agoda.com thì ứng dụng này thể hiện có tới 79 khách sạn được gắn mác 5 sao. Điều bất ngờ là có cả những khách sạn có tên “Nhà nghỉ Ngọc Khánh” cũng được ứng dụng này “cấp chứng nhận” 5 sao. Trao đổi với Văn Hóa, nhiều du khách cho rằng ứng dụng được nhiều du khách sử dụng lại đăng tải thông tin, quảng cáo sai sự thật, cố tình “thổi phồng” chất lượng khách sạn là điều không thể chấp nhận được. Mặc dù tình trạng này đã tồn tại công khai từ rất lâu, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà các cơ quan chức năng không xử lý?
Chính vì những thông tin được đăng tải, quảng bá ở website của cơ quan quản lý nhà nước và những ứng dụng được đông đảo du khách trong nước và quốc tế sử dụng để đưa ra lựa chọn dịch vụ. Du khách lựa chọn ứng dụng là tin tưởng vào ứng dụng để đặt dịch vụ. Tuy nhiên, khi thực tế lại không đúng theo thông tin được đăng tải, sẽ gây thiệt hại cho du khách và ảnh hưởng lớn tới trải nghiệm của du khách tại điểm đến. Trong khi người dân cả nước cùng toàn ngành Du lịch quyết tâm xây dựng hình ảnh điểm đến Việt Nam nói chung và từng địa phương nói riêng thân thiện, mến khách, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lừa đảo, “chặt chém”… Thì ngay trên website chính thức của ngành Du lịch Thủ đô và những ứng dụng cung ứng dịch vụ uy tín lại đăng tải thông tin không chính xác, ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin của du khách.
Để môi trường du lịch Thủ đô thực sự an toàn, thân thiện, mến khách, rất cần các cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh, xử lý.
Bài Viết SEO – Affiliate