Mục lục
Không chỉ ăn ngon, đặc sản này còn được nhiều du khách săn đón để chụp hình.
Đà Lạt đã xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch, thu hút du khách, tạo nét riêng của Đà Lạt.
Tổ chức kỷ lục châu Á có trụ sở tại Ấn Độ vừa công bố danh sách “Đặc sản châu Á”, Việt Nam có 10 món ăn được vinh danh, trong đó có dâu tây Đà Lạt Lâm Đồng.
Đà Lạt có khí hậu ôn đới và thổ nhưỡng phù hợp nên trái dâu tây được trồng nơi đây có hương vị rất riêng, đặc biệt thơm, ngon. Dâu tây Đà Lạt chính vụ vào mùa khô, bắt đầu từ tháng 11 đến cuối tháng 4 năm sau; do không ảnh hưởng của mưa, trái dâu tươi, đẹp, có chất lượng tốt, giòn, ngọt, thơm đậm vị. Loại trái cây này đã trở thành lựa chọn làm quà tặng của nhiều du khách khi đến Đà Lạt.
Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã chính thức công nhận nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt”. Người dân Đà Lạt rất yêu quý, nâng niu, trân trọng các sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho Đà Lạt, đặc biệt là dây tây. Vì thế, khi biết được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, họ rất vui mừng.
Trong nhiều năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã tập trung nhiều giải pháp nghiên cứu, lai tạo những giống dâu mới có năng suất, chất lượng cao và được nông dân ứng dụng vào canh phù hợp với điều kiện sản xuất của Đà Lạt. Hiện có nhiều giống dâu có năng suất cao, trái tròn đề, bóng đẹp mắt và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Vườn dâu Đà Lạt thu hút nhiều bạn trẻ đến tham quan và chụp ảnh.
Hiện nay, diện tích dâu tây Đà Lạt dao động 120 – 130 ha, được trồng ở độ cao từ 1.400 m đến 1.535 m so với mực nước biển, tổng sản lượng bình quân khoảng 1.500 tấn/năm, chưa kể dâu tây được canh tác ở H.Lạc Dương lân cận.
Trước đây, thời vụ trồng dâu tại Đà Lạt vào khoảng tháng 8, 9, mùa thu hoạch chính từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau với năng suất bình quân chỉ 7 – 10 tấn/ha. Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, nông hộ nhập giống mới, ứng dụng công nghệ cao và các giống dâu tây mới vào canh tác đã làm tăng năng suất dâu tây lên gấp 2 – 3 lần và có thể trồng quanh năm. Với giá bán bình quân 200.000 đồng/kg, trung bình vườn dâu tây mang về nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng cho nông hộ.
Đi du lịch Đà Lạt, không thể bỏ qua các vườn dâu chín mọng. Thả mình vào vườn dâu Đà Lạt, khám phá thiên đường trái ngọt giữa thời tiết xe lạnh của những ngày chớm đông, du khách có thể hái và thưởng thức dâu tươi, hương vị ngọt, tan chảy trong miệng. Đây là cơ hội để được tự do tham quan vườn dâu tây sai quả, thứ đặc sản Đà Lạt làm quà trứ danh
Đi đúng lúc dây tây vào mùa, du khách sẽ được thưởng thức những trái dâu đỏ mọng và ngọt lịm.
Để tham quan dâu tây, du khách nên chọn đi đúng mùa dâu tây Đà Lạt. Đây là khoảng thời gian dâu tây chín rộ nên ăn rất ngon, giá rẻ mà nhiều trái chín nên chụp hình cũng rất đẹp. Nếu mục đích chính của bạn là tham quan và chụp hình thì bạn nên chọn những vườn dâu được trồng thuỷ sinh. Việc trồng trên cao sẽ dễ chụp hình hơn rất nhiều.
Khi đi tham quan bạn nên tìm hiểu trước một số vườn dâu uy tín, không nên nghe lời cò lái dẫn dụ đến những địa điểm như lò mứt, để tránh không tìm được dịch vụ như ý mà lại mua hàng với giá cao.
Vào vườn dâu, du khách sẽ được tự chọn và hái những trái dâu trên cây để mang về. Nhưng giá thường mắc hơn loại đã được hái và đóng hộp sẵn.
Vườn dâu trên cao sẽ chụp hình đẹp hơn dâu trồng dưới đất.
Theo https://tcdulichtphcm.vn/an-gi/dac-san-da-lat-dat-ky-luc-chau-a-co-gi-la-c12a65626.html