I. VĂN HÓA TÂY NGUYÊN
Tây Nguyên là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng. Một số nét văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên có thể kể đến như:
CỒNG CHIÊNG
Cồng chiêng đại diện cho văn hoá
Tây Nguyên, được sử dụng trong nhiều nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng. Cồng chiêng được xem là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người với thần thánh và thế giới siêu nhiên. Đặc biệt, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là nơi chứa đựng những giá trị kiệt tác của nhân loại. Không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt ở sự đa dạng độc đáo về kỹ thuật diễn tấu mà cồng chiêng còn là biểu tượng cho sự tổng hoà các giá trị văn hóa đa dạng như: Giá trị biểu thị đặc trưng và bản sắc văn hóa vùng; giá trị biểu thị đặc trưng văn hóa tộc người hoặc nhóm tộc người; giá trị nghệ thuật; giá trị sử dụng đa dạng; giá trị biểu thị sự giàu sang và quyền uy; giá thị tinh thần; giá trị cố kết cộng đồng và giá trị lịch sử.
TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG
Theo truyền thống, trang phục của người Ê đê thường là màu đen hoặc chàm, trên đó có trang trí hoa văn sặc sỡ. Phần lớn phụ nữ đều mặc váy, quấn váy, còn đàn ông mặc khố, mặc áo. Để tạo ra những sản phẩm trang phục đẹp và độc đáo, phụ nữ Ê đê sử dụng khung dệt cổ truyền để dệt ra những tấm vải, để rồi từ đó làm ra váy, áo, khố, mền hoặc địu…
VŨ ĐIỆU XOANG
Đây là hình thức múa tập thể phổ biến của nhiều dân tộc trên đại ngàn
Tây Nguyên. Xoang thể hiện sức mạnh cộng đồng. Bếp lửa đã đượm lòng, cùng chúng tôi vít cong cần rượu, Pling bảo, cồng chiêng và rượu cần là những thực thể không thể thiếu trong đời sống của tộc người bản địa Nam Tây Nguyên. Người Cơ Ho, Mạ khi diễn tấu nhạc cụ không bao giờ kèm theo lời ca. Bởi thế, tiếng chiêng, tiếng cồng, tiếng kèn bầu, đàn ống tre, sáo bre… khi đã tấu lên, âm giai trong lành, bay bổng, phóng khoáng như chim C’rao sải cánh giữa đại ngàn. Tự ngàn đời, bên mái nhà sàn dài trầm mặc ở các buôn làng Nam Tây Nguyên, khi nghe mùi khói bếp, mùi thịt nướng, hương rượu cần nồng nàn, khi đó có tiếng chiêng tấu lên rộn rã. Con người như được thăng hoa về miền nguyên sơ.
SỬ THI TÂY NGUYÊN
Trong kho tàng văn hoá phong phú của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, bên cạnh giá trị của âm nhạc cồng chiêng, còn phải kể đến giá trị của sử thi. Tây Nguyên là vùng đất sản sinh khá nhiều sử thi và do đó được các nhà khoa học gọi là “vùng sử thi” hay “chiếc nôi của sử thi Việt Nam”. Từ sau sử thi “khan Đam San” của người Ê đê được công bố đầu tiên từ năm 1927, đến nay đã phát hiện được trên 20 sử thi của các bộ tộc khác nhau. Sử thi Tây Nguyên, là một giá trị tinh thần, được đồng bào Tây Nguyên lưu giữ trong trí nhớ và được diễn xướng trong các sinh hoạt cộng đồng.
II. ẨM THỰC TÂY NGUYÊN
Các món ăn ở Tây Nguyên mang đậm chất miền núi, điều này đã góp phần tạo nên một màu sắc rất riêng và được đông đảo mọi người yêu thích. Chính vì vậy mà khi du lịch Tây Nguyên, mọi người thường không thể bỏ qua những món đặc sản này:
RƯỢU CẦN
Trong văn hóa sinh hoạt ăn uống của người Tây Nguyên thì tuyệt nhiên không thể thiếu rượu cần. Tại Tây Nguyên, rượu cần là sản vật xuất hiện ở mọi nơi, trong cuộc sống hay văn hóa sinh hoạt xã hội của người dân. Rượu cần Tây Nguyên là sự chắt lọc nhưng tinh túy nhất từ hạt gạo mà người dân làm nên. Không chỉ đặc biệt từ cách chưng cất để thành phẩm mà phương thức uống cũng ẩn tượng không kém.
GÀ NƯỚNG SA LỬA BẢN ĐÔN
Gà nướng sa lửa ở Bản Đôn có thể nói ngon và nổi tiếng nhất. Gà được người dân nuôi 100% từ nguồn thức ăn tự nhiên theo hình thức nuôi thả nên rất chắt thịt, tẩm ướp gia vị theo kinh nghiệm của người dân địa phương. Gà được nướng chín vàng hòa quyện với hương thom của lá chanh, tiêu và một số hương vị đặc biệt của người đồng bào, chỉ cần ngửi thôi đã đủ khiến bạn phải tan chảy vì món ẩm thực Tây Nguyên này. Món này thường được ăn kèm với cơm lam là một món ăn dân dã của người Tây Nguyên, được nấu trong ống tre.
GỎI LÁ
Món gỏi lá của người Kon Tum được ví như tinh hoa ẩm thực Tây Nguyên. Đây không chỉ đơn giản là một món ăn mà còn là tác phẩm nghệ thuật được tạo nên bởi những con người chân chất, mộc mạc của núi rừng Tây Nguyên. Gỏi lá là sự kết hợp của hơn 40 loại lá rừng khác nhau ăn kèm với thịt lợn được nuôi thả rông, tôm đất rang muối cùng bì lợn và các gia vị riêng của người miền núi. Khi ăn miếng gỏi lá này, du khách sẽ cảm nhận được từng vị như mùi thơm, bùi, hăng của 40 loại rau rừng cùng với vị ngọt, tươi đến mềm môi của thịt lợn và tôm đất, cùng vị ngầy ngậy của bì lợn, kết hợp với bát nước chấm màu vàng ươm, sền sệt tạo nên món gỏi lá có một không hai khiến du khách du lịch Tây Nguyên ăn một lại muốn ăn hai.
CÁ LĂNG
Cá lăng là món ăn nổi tiếng mà bất cứ ai đi du lịch Tây Nguyên đều phải thử một lần. Đây là món ăn đặc sản được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho người dân Tây Nguyên. Cá lăng xuất hiện ở hầu hết các nhà hàng, quán ăn của vùng đất này và vì hương vị thơm ngon nên cá lăng được sử dụng để chế biến thành rất nhiều món ăn đa dạng đều rất ngon và hấp dẫn như: Cá lăng om chuối, cá lăng hấp, cá lăng xào tỏi, chả cá lăng, nấu cháo… Nếu được bạn hãy thử thưởng thức tất cả các món được chế biến từ cá lăng để cảm nhận hết hương vị nhé.
CANH THỤT
Canh thụt là món ăn rất đặc biết có nguồn gốc từ dân tộc M’Nông. Đây là một trong những đặc sản mang đậm hương vị và thể hiện bản sắc văn hóa của đông bào Tây Nguyên. Tất cả các nguyên liệu sẽ được thụt vào ống tre để nấu chín, tương tự như nấu cơm lam. Để nấu món này cần có lá nhíp, cà đắng, đọt mây, ớt, cá suối, thịt động vật. Sự kết hợp hoàn hảo của các loại nguyên liệu đã tạo nên một món ăn độc đáo mang tính sơn cước gây thương nhớ với khách thập phương. Nếu một lần đến vùng đất Tây Nguyên thì đừng bỏ qua món canh độc đáo say đắm lòng người này nhé.
PHỞ KHÔ
Mỗi khi nhắc đến các món ngon của Tây Nguyên không thể nào không nhắc đến món phở khô Gia Lai. Món này thường được phục vụ trong 2 tô, một đựng phở, một đựng nước lèo. Người ăn sẽ thưởng thức phở riêng, rồi húp một ngụm nhỏ nước lèo, ăn kèm rau sống và một chút tương đen đặc biệt, được chế biến theo phương thức gia truyền của mỗi quán. Thưởng thức món ăn tưởng chừng dân dã này, dường như bạn có thể cảm nhận được phong vị núi rừng Tây Nguyên nồng ấm, ngọt ngào.
CÀ PHÊ BUÔN MA THUỘT – ĐẶC SẢN TÂY NGUYÊN
Cà phê Buôn Ma Thuột được coi là một trong những loại cà phê ngon nhất Việt Nam, và mùa thu đông là thời điểm thu hoạch cà phê. Bạn có thể ghé thăm các quán cà phê ở Buôn Ma Thuột và thưởng thức những tách cà phê thơm ngon, đậm đà hương vị. Đây cũng là dịp để bạn tìm hiểu quy trình làm cà phê từ việc thu hoạch, rang và pha chế.
Với những nét văn hóa và ẩm thực đặc sắc, Tây Nguyên là một điểm đến hấp dẫn cho những ai yêu thích khám phá. Một chuyến du lịch Tây Nguyên vào mùa thu đông này sẽ là một trải nghiệm khó quên cho bạn.
(Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp)