Mục lục
VHO – Nếu khai thác tốt tiềm năng văn hóa của điểm đến, đưa vào hệ thống tour tuyến phục vụ du khách thành công thì Trung tâm Thánh mẫu Trà Kiệu (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) sẽ là một trong những điểm đến du lịch kết nối di sản Mỹ Sơn với các điểm đến khác, thu hút thêm nhiều đoàn khách hành hương, khách du lịch.
Trung tâm Thánh mẫu Trà Kiệu (Nhà thờ Núi) nằm trên trục đường kết nối của di sản văn hóa thế giới (DSVHTG) Khu đền tháp Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An và các điểm du lịch lân cận. Nhiều năm qua Trung tâm Thánh mẫu Trà Kiệu đã là một trong những điểm tham quan, du lịch thu hút nhiều đoàn khách hành hương, khách du lịch.
Tuy nhiên, việc đưa điểm du lịch này vào trong hệ thống tour tuyến du lịch, phục vụ du khách đến tham quan, tạo thêm sự phong phú về điểm đến tại huyện Duy Xuyên và tỉnh Quảng Nam vẫn chưa được tổ chức thường xuyên, chưa khai thác được tiềm năng văn hóa của điểm đến, tạo điều kiện kết nối du lịch – thương mại, giới thiệu thêm về sản phẩm OCOP của địa phương, trong khi nhu cầu về khai thác điểm đến đang được nhiều doanh nghiệp du lịch quan tâm.
Ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết, để phát huy các giá trị văn hóa riêng biệt của địa danh này, mới đây, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi huyện Duy Xuyên về việc phát triển sản phẩm du lịch tại Trung tâm Thánh mẫu Trà Kiệu.
Sở VHTTDL Quảng Nam đề nghị UBND huyện Duy Xuyên nghiên cứu, chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, phương án phát triển điểm đến du lịch tại Trung tâm Thánh mẫu Trà Kiệu trở thành một trong những điểm đến kết nối với DSVHTG Mỹ Sơn và các điểm du lịch khác. Qua đó phát huy các giá trị văn hóa riêng biệt của địa danh này.
Phối hợp với địa phương và cộng đồng hình thành các khu điểm dịch vụ phục vụ du khách với bãi đỗ xe, quầy bán hàng lưu niệm, các sản phẩm văn hóa, sản phẩm OCOP địa phương, qui hoạch điểm ẩm thực đạt chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ du khách.
Xây dựng sản phẩm du lịch văn hoá với “câu chuyện” là địa danh kinh thành Simhapura của vương quốc Champa gắn liền với DSVHTG Khu đền tháp Mỹ Sơn và là điểm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người dân…
Tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến điểm đến; liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp du lịch xây dựng tour kết nối với các điểm đến khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Chú trọng công tác đào tạo nguồn lực có đủ kiến thức, am hiểu về lịch sử, giá trị riêng có của văn hoá Chămpa; về “câu chuyện” của kinh thành Trà Kiệu; tăng cường công tác quản lý, công tác đảm bảo an ninh trật tự; xây dựng điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện và an toàn, tạo ấn tượng tốt cho du khách.
Theo Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam Văn Bá Sơn, thực tế trên nhiều địa phương của đất nước, nhiều cơ sở tôn giáo đã trở thành những điểm tham quan gây ấn tượng mạnh, tốt đẹp với du khách.
“Việc xúc tiến các hoạt động nói trên tại Trung tâm Thánh mẫu Trà Kiệu nhằm giới thiệu các giá trị văn hóa đặc trưng riêng có của địa danh này, đồng thời liên kết các điểm du lịch trong khu vực thông qua hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt qua ga Trà Kiệu (Duy Xuyên) nhằm mở rộng không gian du lịch, tạo điều kiện hình thành các tuyến du lịch dựa trên các điểm: Đô thị cổ Hội An – làng du lịch Cẩm Kim – điểm du lịch cộng đồng Trà Nhiêu – Kinh đô Trà Kiệu – Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh – Chămpa – Khu di tích Hòn Tàu – Khu đền tháp Mỹ Sơn…”, ông Sơn cho biết.
Sở VHTTDL Quảng Nam sẽ hỗ trợ kết nối với các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh đến tham quan, khảo sát, hỗ trợ kết nối du khách, cũng như hỗ trợ tập huấn về công tác quản lý, khai thác dịch vụ điểm đến.
Được biết, vào giữa tháng 6 vừa qua, đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Sở VHTTDL Quảng Nam đã ký kết hợp tác triển khai chương trình kích cầu du lịch đường sắt năm 2024.
Trong đó có triển khai nội dung hợp tác xây dựng các gói sản phẩm du lịch kết hợp di chuyển bằng tàu hỏa tham quan các điểm du lịch nổi bật tại Quảng Nam như tuyến tham quan từ ga Trà Kiệu – Khu đền tháp Mỹ Sơn, ga Trà Kiệu – đô thị cổ Hội An và các vùng phụ cận khác…
Bài Viết SEO – Affiliate